Trong thang máy chật hẹp, các nhân vật buộc phải đối mặt với địch thủ ở khoảng cách gần nhất, là điều kiện để các bộ phim cho ra đời những phân cảnh cận chiến mãn nhãn.
1. Diệp Vấn và võ sư Muay Thái (Diệp Vấn 3)
Loạt phim Diệp Vấn (IP Man) là điểm tựa để Chân Tử Đan xây dựng tên tuổi lừng lẫy của mình trong làng phim võ thuật thế giới, qua rất nhiều màn đấu võ khiến khán giả trầm trồ. Trong Diệp Vấn 3 (2015), Diệp Vấn cùng vợ đi khám bệnh về, hai vợ chồng vừa vào thang máy thì một võ sĩ cao lớn người Thái đi vào. Cảm nhận được sát khí từ kẻ mới đến, Diệp Vấn đưa bọc thuốc cho vợ. Cửa thang máy vừa đóng, võ sĩ người Thái lập tức ra đòn.
Diệp Vấn vừa phải bảo vệ vợ vừa phải đánh trả những đòn sát thủ của tay võ sĩ. Anh tìm cách đẩy đối thủ ra khỏi thang máy để đảm bảo an toàn cho vợ. Những đòn đánh đẹp mắt mà hiểm hóc của anh giúp trận đấu trở nên gay cấn, hấp dẫn với khán giả.
Diệp Vấn chiến đấu với sát thủ Muay Thái.
2. Đại úy Steve Rogers và 10 gã sát thủ (Đội trưởng Mỹ: Chiến binh mùa đông)
Được đánh giá là có phần hành động “thật” và “chất” nhất trong 3 phần của loạt Đội trưởng Mỹ (Captain America), Chiến binh mùa đông (The winter soldier – 2014) không làm người hâm mộ thất vọng với nhiều cảnh chiến đấu cực kỳ đặc sắc. Điển hình nhất là cảnh đội trưởng Steve Roger bị 10 gã thiện chiến, cao lớn “đánh hội đồng” trong thang máy. Phân đoạn phim này được khen ngợi hết lời không chỉ nhờ tình huống một chọi mười, các pha đánh đấm thót tim, khả năng tạo không khí căng thẳng nghẹt thở, mà còn bởi tiết tấu nhanh chóng mặt, các biến cố diễn ra liên tiếp chỉ vài chục giây trước và sau trận chiến.
Đội trưởng Mỹ bị vây ráp trong thang máy.
3. Hai trận chiến song song (Truy tìm ký ức)
Làm lại từ bộ phim kinh điển cùng tên năm 1990, Truy tìm ký ức (Total recall) bản 2012 phải nhận nhiều ý kiến trái chiều với phần nội dung. Điểm sáng duy nhất của phim chính là dàn diễn viên trai xinh gái đẹp và các phân đoạn hành động kịch tính. Trong đó phải kể đến cảnh hai nhân vật chính phải cùng lúc chiến đấu với hai đối thủ ở thang máy đang đi xuống bằng tốc độ kinh hoàng. Đây cũng là một bộ phim đã tận dụng rất tốt bối cảnh thang máy, để nhân vật sử dụng tối đa các góc hẹp, tường chắn làm điểm tựa cho các cú ra đòn. Đặc biệt nhân vật Douglas của tài tử Colin Farrell còn lợi dụng tốc độ thang máy đi xuống và hệ thống máy móc để kết liễu đối thủ là một người máy.
Những pha đánh đấm trong thang máy máu lửa không thua gì các bạn diễn nam của hai người đẹp Kate Beckinsale và Jessica Biel.
4. Thang máy đẫm máu ở thế giới ngầm xứ Hàn (Tân thế giới)
Bộ phim chính kịch tội phạm, giật gân năm 2013 quy tụ dàn diễn viên đỉnh cao của điện ảnh Hàn như Ma Dong Seok, Lee Jung Jae, Hwang Jung Min… gây sốc vì mức độ tàn bạo của những màn thanh trừng, tranh giành địa bàn, quyền lợi trong giới xã hội đen Hàn Quốc.
Đang ở giữa một trận chiến sống còn, nhân vật Jung Chung của Hwang Jung Min cố mở thang máy để cùng đàn em chạy thoát. Nhưng không ngờ, chờ đợi ở đó là 6 tên cầm dao hung hăng và quyết tử chiến đến cùng. Thay vì các pha võ thuật đẹp mắt, cảnh một chọi sáu ngắn ngủi trong thang máy của Tân thế giới khiến người xem ám ảnh khi phô bày bạo lực cùng cực trong thế giới ngầm ở Hàn.
Mở màn cho cảnh chiến đấu sống còn trong thang máy của “Tân thế giới”.