Broken Veil là tựa game lấy bối cảnh ở nước Nga vào thời hậu Xô Viết, kể về hành trình tìm mẹ của một cậu bé bị mắc hội chứng Prosopagnosia.
Hôm nay tôi sẽ làm video về Broken Veil, tựa game phiêu lưu giải đố lấy bối cảnh ở nước Nga vào thời hậu Xô Viết, tức là khoảng năm 1991. Trò chơi kể về hành trình tìm kiếm người mẹ thân yêu của một cậu bé bị mắc hội chứng Prosopagnosia thông qua góc nhìn của cá nhân cậu.
Để hiểu rõ hơn về tựa game thì trước hết, tôi nghĩ chúng ta cần biết Prosopagnosia là gì. Theo Google đại ca trả lời thì Prosopagnosia hay chứng mù mặt là một dạng bệnh lý có thật liên quan đến việc hệ thần kinh tổn thương. Hội chứng này được một chuyên gia thần kinh người Đức tên Joachim Bodamer phát hiện lần đầu tiên vào năm 1947. Chứng bệnh này có thể do di truyền, rối loạn gen hoặc do não phải bị chấn thương hay đột quỵ…
Theo đó người bệnh không có khả năng nhận diện khuôn mặt người khác, vì đối với họ, những khuôn mặt ấy lúc nào cũng giống hệt nhau. Điều này giải thích vì sao trong Broken Veil, tất cả các nhân vật đều không có gương mặt rõ ràng, kể cả cậu bé nhân vật chính. Tuy nhiên nếu thực sự tái hiện góc nhìn của một người mắc chứng Prosopagnosia thì quá khó cho game thủ nên NSX đã giữ lại một ít đặc điểm như tóc, quần áo của các nhân vật để người chơi có thể phân biệt họ.
Đó cũng là cách mà những người mắc hội chứng Prosopagnosia dùng để phân biệt người trong giao tiếp hàng ngày. Quay lại với câu chuyện, dù Broken Veil chỉ mới ra mắt bản Demo trên steam nhưng nó đã nhận được rất nhiều sự chú ý của game thủ quốc tế vì trò chơi có nhiều điểm tương đồng với tựa game Little Nightmare nổi tiếng. Như vậy liệu Broken Veil có phải là một bản sao của Little Nightmare hay không? Nếu các bạn muốn biết thì xin chào, tôi là Kênh Tin Game, chào mừng các bạn đã đến với channel youtube Kênh Tin Game.
Cuộc đào thoát khỏi trại trẻ mồ côi
Mở đầu phần chơi thử, ta sẽ thấy một căn phòng ngủ, nơi những đứa trẻ vẫn đang say giấc. Có một cậu bé mặc áo ngủ, đội mũ lông ushanka đính huy hiệu quân đội Nga đang đi loanh quanh trong phòng. Dựa vào cách bố trí căn phòng và số lượng giường, ta có thể đoán nơi này là ký túc xá của một trường nội trú, trung tâm phúc lợi xã hội, trại tập trung hoặc trại trẻ mồ côi. Như mọi tựa game kinh dị khác, có vẻ như cậu bé của chúng ta đang chuẩn bị cho một cuộc đào tẩu vào đêm nay.
Cậu rón rén bước ra khỏi phòng, nhón chân đi nhẹ nhất có thể để tránh bị những người trông coi nơi này phát hiện. Dựa vào kiến trúc và kết cấu của ngôi nhà, có thể thấy nó hơi nhỏ so với một trường nội trú, có lẽ nơi này là trại trẻ mồ côi hoặc trung tâm phúc lợi cỡ nhỏ. Tiếp tục diễn biến câu chuyện, do không bị ai phát hiện nên cậu bé thành công đào thoát khỏi căn nhà và leo lên chiếc xe tải đang đỗ bên ngoài sân chơi.
Chiếc xe lăn bánh đưa cậu đến một khu phố kỳ lạ. Giữa màn đêm yên tĩnh, cậu bước đi trong vô định rồi tình cờ chạm mặt một đám côn đồ. Chúng đánh đập sau đó ném cậu xuống tầng hầm của một căn nhà, trong lúc rơi xuống, cậu nhanh tay kéo theo được chiếc balo của một tên trong đám đó. Cá nhân tôi cảm thấy chi tiết cậu bé kéo balo rơi xuống hơi thừa, vì cái balo đấy hoàn toàn không có tác dụng gì cho phần gameplay, cũng không đóng góp ý nghĩa gì cho phần cốt truyện.
Lại nói sau khi rơi xuống tầng hầm, cậu bé đã gặp một chú mèo hoang và vuốt ve nó. Nhờ có sự giúp sức của chú mèo, cậu bé đã vô tình tìm thấy một cái lỗ lớn ở trên vách tường. Cậu chui qua đó và nhận ra nơi mình đang đứng là tầng hầm của một lò mổ lợn.
Những cái đầu lợn được đặt bừa bãi trên kệ còn gián thì bò lúc nhúc dưới sàn nhà bê bết máu. Những con lợn sau khi xử lý bị treo ngược trên móc câu, cuối móc câu là một băng chuyền dẫn đến phòng tiếp theo. Nhận ra đó là lối ra duy nhất, cậu bé nhanh trí khởi động băng chuyền, bám vào một chiếc móc câu còn trống và đu người sang phòng tiếp theo.
Ở căn phòng này, cậu bé tiếp tục dùng cái xương nhặt được để mở cửa thông gió và chạm mặt với một gã đồ tể ở căn phòng bên cạnh. Ngay khi vừa nhìn thấy cậu bé, gã đồ tể lập tức biến thành một con quái vật gớm ghiếc cầm dao truy đuổi cậu. Cậu bé bỏ chạy, bám được vào một sợi dây treo rồi lao mình ra ngoài cửa sổ. Màn hình game sáng lên và thế là phần demo của Broken Veil cũng kết thúc tại đây.
Điều gì đã xảy ra trong Broken Veil?
Vì chỉ mới ra mắt phần demo nên dĩ nhiên Broken Veil vẫn chưa thể hé lộ cho chúng ta mọi chi tiết về những gì thật sự xảy ra trong câu chuyện. Người chơi chỉ được biết mục đích của cậu bé nhân vật chính khi trốn khỏi nơi mình đang sống là vì muốn tìm lại mẹ của mình. Nhưng tại sao người mẹ của cậu bé lại bỏ cậu lại nơi này?
Đó là câu hỏi chưa có lời giải đáp tuy nhiên thông qua những bản thiết kế nhân vật đến từ nhà phát hành, ta có thấy tạo hình của những con quái vật đều có những nét rất đặc trưng của các bác sĩ phẫu thuật. Phải chăng thân phận của mẹ cậu bé có liên quan gì đó đến những nơi như bệnh viện hoặc phòng nghiên cứu. Hay drama hơn, có thể mẹ của cậu cũng chỉ là thân phận giả mạo của một bác sĩ ở đấy, để cậu bé yên tâm trở thành vật thí nghiệm phục vụ cho cuộc nghiên cứu thì sao? Nghe có mùi Stranger Things nhỉ?
Nếu bỏ qua giả thuyết đó mà trở lại với việc đây là hai mẹ con thật thì ta có thể tạm suy đoán rằng lúc trước cậu bé vẫn sống với mẹ mình. Tuy nhiên khi Liên Xô tan rã và các cuộc bạo loạn nổ ra khắp nơi, người mẹ đã bị bắt đến một phòng nghiên cứu hoặc có thể đã chết ở bệnh viện trong một cuộc bạo loạn nào đó. Cậu bé thì bị gửi đến trại trẻ mồ côi, có lẽ vì không chấp nhận sự thật rằng mẹ mình đã qua đời, cậu vẫn ôm hy vọng tìm lại mẹ. Đó cũng là lý do vì sao cậu trốn khỏi trại trẻ mồ côi và bắt đầu hành trình rùng rợn của mình trong Broken Veil.
Ngoài ra, nếu để ý kỹ phần logo của trò chơi, ta sẽ thấy hình ảnh con búp bê Matryoshka truyền thống của Nga. Theo quan niệm của người Nga, búp bê Matryoshka là biểu tượng cho gia đình, tuy nhiên số khác cũng cho rằng Matryoshka đại diện cho việc con người có nhiều lớp vỏ bọc. Chỉ đến khi cởi hết toàn bộ các lớp ngụy trang bên ngoài thì bạn mới biết được họ là kẻ có tính cách như thế nào.
Một bộ búp bê Matryoshka truyền thống sẽ có nhiều con búp bê nhỏ khác lồng bên trong con búp bê lớn và con búp bê nhỏ nhất thường có dạng là một em bé. Nhưng với trường hợp logo của Broken Veil, ta có thể thấy bên trong búp bê Matryoshka lại là một con nhện. Theo văn hóa dân gian Nga, hình tượng con nhện tượng trưng cho ma quỷ và những điều xấu, nhưng đồng thời nó cũng là biểu tượng của sự sáng tạo và tốt đẹp của thế giới.
Theo suy đoán của tôi, hình ảnh con nhện và búp bê Matryoshka có lẽ đang tượng trưng cho việc cậu bé được mẹ bảo bọc, nhưng khi lớp bảo vệ đó biến mất, cậu bé bắt đầu sợ hãi với mọi thứ xung quanh. Chính cảm giác hoảng loạn đó đã làm cậu bộc lộ những mặt xấu xa bên trong con người. Cái tên Broken Veil hay dịch nôm na là mạng che mặt bị vỡ nát như thể ám chỉ cho việc khi gương mặt của cậu bé hoàn toàn bị phá vỡ, ta sẽ nhìn thấy được thứ gì đó đen tối đang ẩn giấu bên trong.
Hình tượng nhân vật trong game
Như vậy là xong phần tóm tắt và dự đoán cốt truyện, giờ là lúc phân tích hình tượng nhân vật cậu bé trong game nào. Theo những gì nhà phát hành chia sẻ thì nhân vật chính của chúng ta không chỉ mắc chứng mù mặt mà còn mắc thêm một chứng bệnh khác gọi là chứng khó đọc. Chứng khó đọc được xem là một tình trạng tình trạng thần kinh và không liên quan tới trí thông minh.
Người mắc chứng này không thể đọc chữ một cách bình thường, họ sẽ thấy những chữ cái bị đảo lộn, viết ngược hoặc không nhìn được mặt chữ. Để làm cho chứng bệnh của cậu bé trở nên chân thật hơn, nhà phát hành đã thay đổi cấu trúc các chữ cái trong game. Họ cố tình biến tấu để các câu chữ trở nên khó nhìn hơn, khiến người chơi có cảm giác như mình bị mắc chứng khó đọc và dễ nhập vai vào trò chơi hơn.
Tiếp theo là kích thước của nhân vật trong trò chơi. Có thể thấy cậu bé vô cùng nhỏ, hay phải nói là nhỏ đến mức khác thường. Nhìn vào bức ảnh do nhà phát hành công bố, ta có thể thấy cậu bé chỉ lớn bằng một con chuột. Trong khi đó, mọi thứ xung quanh cậu đều vô cùng khổng lồ, vậy lý giải cho điều này là gì?
Theo tôi đó là vì những gì trong trò chơi được thể hiện thông qua góc nhìn của cậu bé nhân vật chính, vậy nên, có lẽ kích thước nhỏ nhắn này đang ám chỉ cậu bé là một người tự ti, nhút nhát. Cậu cảm thấy mình rất nhỏ bé so với thế giới xung quanh. Nhưng dù là vậy, cậu bé vẫn quyết tâm lên đường tìm mẹ cho thấy mẹ là người vô cùng quan trọng với cậu bé.
Về phần những người lớn hay quái vật trong trò chơi, có thể thấy là dù không thể nhìn rõ gương mặt, nhưng họ lại trông rất đáng sợ với cái miệng rộng đến mang tai. Điều này tượng trưng cho việc cậu bé dễ sợ hãi với mọi người xung quanh hoặc có thể những kẻ đó từng là người quen của cậu bé. Trong quá khứ, cậu đã từng gặp một biến cố nào đấy làm bản thân cảm thấy sợ hãi những kẻ đó. Vì vậy mà trong mắt cậu, những kẻ đó đều có hình dạng quái vật. Tuy vậy, tôi vẫn nghiêng về giả thuyết là cậu bé sợ hãi với những người xung quanh nhiều hơn.
Nếu đúng là vậy thì nhân vật chính của chúng ta có lẽ còn mắc thêm hội chứng sợ người lạ, hay có tên khoa học là Xenophobia. Chính chứng bệnh này cộng với hội chứng mù mặt đã khiến cậu bé cảm thấy bất cứ ai mình gặp cũng đều là người xa lạ. Điều này đã dẫn đến việc cậu nhìn những người xung quanh như những con quái vật có thể gây nguy hiểm cho mình và luôn tìm cách chạy trốn khỏi họ.
Có đạo nhái Little Nightmares hay không?
Qua bản demo có thể thấy Broken Veil mang nhiều điểm tương đồng với Little Nightmares, từ hình ảnh nhân vật chính là một đứa trẻ đến góc nhìn ngang của trò chơi. Tuy nhiên, chính Sinistrum Games đã lên tiếng khẳng định, họ không hề xây dựng câu chuyện theo hướng của Little Nightmares. NSX giải thích sở dĩ có sự trùng hợp này là do cả hai tựa game đều sử dụng dụng góc nhìn ngang và có gameplay kiểu giải đố tìm đường.
Trong đợt thử nghiệm, Sinistrum cho biết họ từng thử các góc nhìn khác nhưng đều không mang lại hiệu quả mong muốn nên mới quyết định sử dụng góc nhìn như hiện tại. Đồng thời, cảm hứng ban đầu để phát triển trò chơi không đến từ Little Nightmares mà đến từ hai tựa game Limbo và Inside của nhà phát hành Playdead. Đến đây, ta có thể thấy hình tượng các nhân vật trong trò chơi không có gương mặt được lấy cảm hứng từ tựa game Inside, và hình ảnh con nhện trên logo thì xuất phát từ Limbo.
Tuy nhiên, nếu ở Inside, các nhân vật không có diện mạo rõ ràng là vì họ đeo một chiếc mặt nạ để ngăn dịch bệnh lây lan giữa người với người, thì trong Broken Veil, các nhân vật không có mặt được hợp thức hóa bằng việc nhân vật chính bị hội chứng mù mặt. Về hình tượng con nhện thì trong Limbo, nó tượng trưng cho nỗi sợ của cậu bé nhân vật chính, tuy nhiên trong Broken Veil, trước mắt tôi vẫn chưa chắc chắn hình tượng con nhện có mang ý nghĩa gì đặc biệt hay không. Vậy nên tôi sẽ tạm giả thuyết rằng nó tượng trưng cho sự xấu xa ẩn chứa bên trong cậu bé và đang chờ ngày để bộc lộ ra bên ngoài.
Vậy kết luận lại, ta có thể thấy Broken Veil không đạo Little Nightmares mà thay vào đó được lấy cảm hứng từ Limbo và Inside. Nếu là như vậy thì câu chuyện trong Broken Veil có lẽ sẽ đi theo một hướng vô cùng đen tối nhưng cũng đầy hy vọng và đáng để mong chờ. Sau bản demo được đánh giá rất cao, đầu năm 2022 NSX Sinistrum đã làm buồn lòng game thủ khi tuyên bố tạm thời ngừng phát triển game vì lý do tài chính và hứa hẹn sẽ quay trở lại trong thời gian sớm nhất có thể.
Chính vì vậy tôi cũng không biết ngày tháng năm nào thì Broken Veil mới có bản chính thức và trước mắt việc có thể làm chỉ là chờ đợi và hy vọng dự án này không chết yểu. Và đây cũng là lúc kết thúc của video phân tích về tựa game Broken Veil hôm nay. Các bạn thấy video này thế nào? Nếu thấy hay thì đừng quên để lại like để ủng hộ Mọt ra thêm những video khác nhé. Xin chào và hẹn gặp lại anh em ở những video sau. Tạm biệt.
Theo dõi Kênh Tin Game để không bỏ lỡ những tin tức thú vị nhé.