Từng là một game thủ Valorant, song Rowan ‘Magnetbrain’ Crothers đã quyết định từ bỏ sự nghiệp Esports để đem về 2 HCV và 1 HCB về cho đoàn thể thao Australia tại Paralympic Tokyo 2020.
Khoảnh khắc Rowan ‘Magnetbrain’ Crothers giơ cao tấm HCV chắc chắn sẽ là một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất tại Paralympic Tokyo 2020. Anh không chỉ đem lại vinh quang cho đất nước Australia mà còn là niềm tự hào của cộng đồng Esports và là người truyền cảm hứng cho những VĐV khuyết tật trên toàn thế giới.
Trước khi trở thành một VĐV tham dự kỳ Paralympics, ít ai biết anh cũng từng là một tuyển thủ Valorant chuyên nghiệp. Cái tên Magnetbrain được anh lựa chọn từ chính căn bệnh bại não của mình. Tuy nhiên, anh đã chiến thắng khiếm khuyết của mình để đạt được những thành tích rất đáng khen ngợi, cả ở trong lĩnh vực Esports lẫn bộ môn bơi lội.
Khởi đầu từ cậu bé mắc bệnh bại não
Vào năm 8 tuổi, Magnetbrain bị chẩn đoán mắc bệnh bại não và buộc phải điều trị bằng phục hồi chức năng. Bơi lội là một trong số những bài tập trị liệu bắt buộc dành cho anh chàng này. 3 năm sau, Olympic Bắc Kinh 2008 đã đem đến một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của MagnetBrain.
“Ban đầu tôi bơi mà không có mục tiêu hay định hướng gì cả. Tôi không muốn bơi, nhưng nó là bài tập bắt buộc đối với tôi.” Rowan chia sẻ: “Khi tôi theo dõi Paralympic Games, tôi nhận ra mình vẫn có thể bơi lội nhưng theo một cách riêng của mình… Tôi lớn lên với suy nghĩ bản thân mình có thể cố gắng hơn nữa, dù tôi không mong chờ mình sẽ thành công bởi căn bệnh của mình.”
Sau hàng loạt nỗ lực không biết mệt mỏi, cuối cùng thì MagnetBrain cũng đã giành được những thành công to lớn, không chỉ ở bơi lội mà còn cả ở Esports.
Kỳ tích ở Paralympics
Suýt chút nữa Magnetbrain đã không thể vượt qua vòng tuyển chọn VĐV cho Paralympic. Đó là một trong những khoảnh khắc tăm tối nhất trong sự nghiệp của anh:
“Tôi vẫn nhớ cảm giác của mình khi đó. Tôi rời khỏi bể bơi mà không thể kiềm chế bản thân, thậm chí còn không nói một lời nào với HLV của mình. Tôi không coi đó là thất bại, chỉ là tôi đã phụ lòng những người kỳ vọng vào tôi. Tôi ở trong một tập thể lớn, với những người đã luyện tập vô cùng gian khổ để có được vị trí của tôi. Tôi cảm thấy việc mình có mặt trong đội là không thực sự công bằng.”
12 tuần sau, Magnetbrain đã giành HCV Paralympics, thậm chí còn phá kỷ lục thế giới ở cự ly 50m bơi tự do. Đó là một thành quả mà chính bản thân cũng không thể tin, dù trước đó anh đã là vô địch nội dung bơi lội của Commonwealth Games và Lewisville.
Tuy nhiên, những tấm HCV không phải là mục tiêu lớn nhất của Magnetbrain: “HCV hay kỷ lục thế giới là một vinh dự lớn, nhưng đem lại vinh quang cho Australia mới là điều đặc biệt nhất đối với tôi. Tôi không bơi cho bản thân mình mà là vì 24 triệu người ở quê nhà đang dõi theo tôi.
Trong suốt 24 giờ tiếp theo, tôi đã nói chuyện với rất nhiều người, những cuộc họp báo, giới truyền thông… Tôi thậm chí còn nhận được 3 lời cầu hôn. Mọi thứ tưởng chừng như là một giấc mơ đối với tôi. “
Ngôi sao ở tựa game Valorant
Năm 2014, Magnetbrain lần đầu tiên đặt chân vào thế giới Esports khi tham dự một giải đấu Team Fortress 2. Một năm sau, anh chuyển sang thi đấu ở bộ môn Counter-Strike vì được truyền cảm hứng từ đội tuyển Ninjas in Pyjamas: “Theo dõi họ thi đấu thật thú vị. Họ chiến thắng ở tất cả các giải đấu và làm sáng bừng cả sân khấu.”
Tuy nhiên, sự nghiệp của Magnetbrain chỉ thực sự bùng nổ sau khi anh chuyển sang thi đấu Valorant. Trong thời điểm Australia phải cách ly xã hội vì COVID-19 và Olympic bị hoãn lại, kình ngư đã tìm đến tựa game này. Anh nhanh chóng tìm được cho mình một đội tuyển để tham gia các giải đấu Valorant trong khu vực.
Pants Down chưa bao giờ là nhà vô địch của Valorant Australia, nhưng họ luôn là đội cạnh tranh một vị trí trong Top 4 ở các giải đấu trong nước. Magnetbrain từng là ngôi sao với đặc vụ Sova trước khi chuyển sang chơi Jett.
“Mục tiêu lâu dài của chúng tôi là trở thành đội tuyển số 1 trong khu vực và vươn tầm thế giới,” Magnetbrain không ngần ngại đặt tham vọng: “Chúng tôi đã luyện tập với cường độ không thua kém gì các đội tuyển hàng đầu thế giới.”
“Tôi đã từng làm việc cùng rất nhiều nhà tâm lý học thể thao xuyên suốt sự nghiệp của mình. Những gì tôi học được đã đem lại những thành quả to lớn, ngoài mong đợi của bản thân ở tựa game Valorant. Tất cả nằm ở quyết định trong khoảnh khắc và teamwork.”
Vào tháng 11/2020, Magnetbrain quyết định nghỉ thi đấu Valorant để chuẩn bị cho Paralympic Tokyo 2020. Dù anh đã chứng minh quyết định của mình là hoàn toàn đúng đắn, Magnetbrain vẫn tỏ ra vô cùng nuối tiếc:
“Tôi ước mình có thể tiếp tục, nhưng tôi không thể cân bằng giữa việc luyện tập và thi đấu Esports với bơi lội. Để có thể vươn tới đẳng cấp của một đội tuyển Esports hàng đầu, bạn sẽ phải toàn tâm toàn ý, cần rất nhiều thời gian rèn luyện cùng kỷ luật để trở thành một tuyển thủ Esports chuyên nghiệp, dù là với bất cứ tựa game nào.”
“Nhưng đó cũng là điều tuyệt vời nhất của Esports, nó không chỉ dừng lại ở việc chơi game. Esports là một môi trường thi đấu chuyên nghiệp và chỉ dành cho những người nỗ lực nhất, bạn sẽ phải cố gắng bằng tất cả những gì mình có để có một vị trí trong Esports chuyên nghiệp.”
“Esports là môn thể thao công bằng nhất”
Cho đến hiện tại, Magnetbrain vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt với Esports. Dù không còn là một tuyển thủ chuyên nghiệp, nhưng anh vẫn stream trên kênh Twitch cá nhân.
“Không có giải đấu Esports cho người tật nguyền. Dù ở ngoài đời, bạn không thể chạy nhảy và chơi những môn thể thao thông thường, nhưng bạn vẫn có thể tham gia giải đấu và chứng minh giá trị của bản thân trong thế giới online.” Magnetbrain bày tỏ.
“Dù tôi có xuất sắc đến đâu trên đường bơi, tôi vẫn chỉ có thể giới hạn bản thân ở Paralympic. Nhưng với Esports, không có sự khác biệt nào hết giữa tôi và những người chơi khác. Đó là điều đã thúc đẩy tôi tiến tới Esports.”
Sau tất cả, Magnet vẫn đang hoạt động ở cả 2 lĩnh vực, bơi lội và Esports. Anh vừa là một VĐV, vừa là một streamer và truyền cảm hứng cho những con người khuyết tật, thúc đẩy họ sống hết mình với đam mê.